Dự án RX-7 nhen nhóm từ năm 1969 nhưng gặp khó khăn do khủng hoảng
Năm 1969, kỹ sư dự án của Mazda, Akio Uchiyama, bắt tay chế tạo một mẫu xe thể thao hai chỗ theo dự án có mã hiệu X020A mà cuối cùng trở thành RS-X. Ông muốn xe sử dụng chung khung gầm với một mẫu sedan đã sản xuất để tiết kiệm chi phí cũng như rút ngắn thời gian chế tạo. Dự án được triển khai cho tới năm 1973 rồi bị xếp xó do khủng hoảng dầu mỏ.
Vào khoảng năm 1975, Sinpei Hanaoka, một cựu chủ ngân hàng là thành viên hội đồng quản trị Mazda, đã đề nghị phát triển một mẫu xe thể thao sử dụng động cơ rô-to. Ngay sau đó, dự án mang tên X605 được khởi động. Tuy nhiên xe có khung gầm mới được phát triển chỉ nhằm mục đích sử dụng với động cơ rô-to kích thước nhỏ gọn. Akio được giao nhiệm vụ hỗ trợ của Sumio Mochizuki - kỹ sư trưởng dự án, để phát triển khung gầm. Thiết kế xe được giao cho Yasuji Oda và Matasaburo Maeda. Còn Kenichi Yamamoto chịu trách nhiệm chế tạo động cơ rô-to.
Giá 6.395USD, RX-7 là chiếc xe thể thao hot thời đó |
Khung thân liền khối giúp xe giảm trọng lượng và tăng độ bền kết cấu. Khuôn kính hậu ban đầu có thiết kế khum liền mạch, song sau đó được thay bằng thiết kế 3 mảnh và bền hơn. Thử nghiệm trong hầm khí động học cho thấy xe đạt chỉ số cản ấn tượng, chỉ tương đương với Porsche 924. Với đèn pha thò lên, chỉ số cản khí động học tăng từ 0,36 lên 0,38 Cd, tương đương với Datsun (Nissan) 280Z.
RX-7 mới lần đầu tiên trình làng tại Bắc Mỹ ngày 24/4/1978. Thiết kế xe được đánh giá là mượt mà, bóng bẩy, cảm giác lái thú vị, trong khi giá bán khá mềm, chỉ 6.395USD. Nên nhớ, cuối thập niên 1970 là giai đoạn khó khăn đối với những người đam mê ôtô do giá nhiên liệu tăng cao. Chính vì vậy, với dáng 2 chỗ hình thức đẹp, động cơ rô-to 12A thú vị dung tích 1,2 lít, công suất khoảng 105 mã lực, vận hành ít tốn kém, RX-7 ngay lập tức trở thành món hàng “hot”.
Xe cũng có tỷ lệ phân bổ trọng lượng trước sau gần như hoàn hảo (50/50), nhờ động cơ bố trí ngay sau trục bánh trước – thiết kế còn được gọi là động cơ đặt giữa ở trước để phân biệt với thiết kế động cơ đặt giữa, phía sau lái xe của các siêu xe thời đó. Động cơ Wankel cũng đặc biệt êm khi chạy không tải đồng thời có thể dễ dàng đạt tốc độ tua 7.000 vòng/phút như động cơ V12 của Ferrari.
“Car and Driver” 5 năm liền đưa RX-7 vào danh sách 10 xe tốt nhất |
Nhược điểm chính của RX-7 là hệ thống lái. Nhiều người cho rằng thiết kế bánh vít và đai ốc cần thay bằng thiết kế trục vít-thanh răng, cho cảm giác lái tốt hơn và phù hợp với tốc độ ấn tượng của xe (tăng tốc từ 0-100km/h trong 9 giây). Ngoài nhược điểm này, xe được tất cả các tạp chí ôtô danh tiếng cho điểm xuất sắc. “Car and Driver” 5 năm liền đưa RX-7 vào danh sách 10 xe tốt nhất và Playboy trao cho RX-7 chiến thắng trong cuộc đối đầu với Dodge Viper.
Năm 1979, Mazda ban đầu chỉ dự kiến bán khoảng 2.000 xe tại Bắc Mỹ, song lượng xe tiêu thụ đã vọt lên 70.000 chiếc. Cũng chính vì điều này, kiểu dáng xe không hề thay đổi cho tới năm 1983. Mazda cuối cùng bán được tới gần nửa triệu chiếc RX-7 thế hệ đầu, khiến nó trở thành một trong những dòng xe thành công nhất trong lịch sử công ty. Tuy nhiên, do động cơ rô-to không bền, rất ít xe RX-7 nguyên bản còn tồn tại tới ngày nay, vì thế bạn hiếm khi có thể thấy RX-7 trên phố.
Theo Giaolo86